Trong chúng ta chắc hẳn không ít lần dựa trên thành kiến của bản thân, “theo những gì đã biết” mà đưa ra những quyết định trong một thời điểm cụ thể để rồi nhận lấy trái đắng ngay sau đó. Mình tự đánh giá bản thân là một người khá “máy móc”, thường xuyên đưa ra những quyết định mang tính rập khuôn như vậy. Tuy nhiên sau khi đọc cuốn sách này thì cách nhìn nhận của mình đã thay đổi rất nhiều.
Daniel Kahaneman, tác giả của cuốn sách, là một trong những nhà tâm lý học vĩ đại nhất thế giới, vậy mà cách truyền tải những kiến thức của ông về hành vi con người lại cực gần gũi và dễ hiểu. Tuy thuộc dòng sách khoa học nhưng xuyên suốt cuốn sách, mình đã được đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, mà không hề cảm thấy nhàm chán như những cuốn sách cùng dòng khác – chỉ hay ở phần đầu và giảm dần về sau.
Trong cuốn sách này, tác giả chỉ ra rằng não bộ chúng ta vận hành theo hai cách:
-
Hệ thống 1: Cơ chế nghĩ nhanh. Đây là cơ chế được não bộ sử dụng nhiều nhất như một phản xạ tự nhiên, mang tính đóng khung, rập khuôn theo các khuôn mẫu trong quá khứ.
-
Hệ thống 2: Cơ chế nghĩ chậm. Cơ chế này thường ít được sử dụng do phần lớn các quyết định đều đã được đưa ra dựa trên Hệ thống 1. Với cơ chế này, đòi hỏi não bộ phải suy xét cẩn thận, sử dụng logic, có tính toán.
Phần lớn cuốn sách sẽ chỉ ra cho chúng ta những sai lầm trong Hệ Thống 1, đi kèm với những minh chứng cụ thể đầy thuyết phục. Bản thân mình ấn tượng nhất về phần “Hiệu ứng hào quang“, khi mà Hệ thống 1 của não bộ hoạt động sẽ đánh giá cao “ấn tượng ban đầu” về 1 sự vật, và làm lu mờ đi các yếu tố về sau.
Ví dụ như: Chúng ta sẽ có ấn tượng hơn với một người “thông minh, đố kị“, và đồng thời có ít thiện cảm hơn với người “đố kị, thông minh“.